Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ em là một hiện tượng rất phổ biến ở trẻ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau gồm cả sinh lý và bệnh lý. Vậy chứng trào ngược có nguy hiểm không? Đặc điểm ra sao và cách xử lý như thế nào? Cha mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời. Cùng bacsydakhoa.com tìm hiểu nhé (^ ^)
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm?
Bé dưới 12 tháng tuổi được coi là trẻ sơ sinh. Theo thống kê, có khoảng 50% số trẻ khỏe mạnh từ khi sinh ra đến dưới 3 tháng tuổi bị trào ngược thực quản và con số này là 70% khi trẻ từ 4 – 12 tháng. Do đó có thể nói rằng triệu chứng này là vô cùng phổ biến ở hầu hết trẻ sơ sinh.
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh do đâu?
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới triệu chứng bệnh ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên về cơ bản, các nguyên nhân này sẽ được chia làm 2 nhóm chính. Cụ thể là:
- Do cấu tạo chưa hoàn chỉnh của hệ tiêu hóa và cơ vòng dưới thực quản còn yếu chưa đủ khả năng thắt chặt sau khi nuốt thức ăn (dạng lỏng);
- Thức ăn vẫn còn ứ đọng trong dạ dày vì khả năng chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng chưa tốt;
- Trẻ được đặt ở tư thế nằm trong và sau khi ăn các dạng thức ăn lỏng như sữa mẹ, sữa ngoài, cháo, bột,…
- Trẻ vận động mạnh, quấy khóc khi ăn.
- Trẻ mắc phải các chứng bệnh bẩm sinh như bại não, thoát vị cơ hoành, hở van tâm vị, sa dạ dày,…
Trẻ sơ sinh bị trào ngược nguy hiểm thế nào?
Hầu hết hiện tượng trào ngược ở trẻ sơ sinh đều do các nguyên nhân sinh lý không gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Đa số đều sẽ được cải thiện khi trẻ lớn hơn hoặc có sự điều chỉnh về chế độ ăn, tư thế ăn,… Tuy nhiên ở những trẻ mắc chứng này do bệnh lý, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng không tốt.
Những nguy hiểm mà trẻ sơ sinh có thể gặp phải nếu không được cha mẹ xử lý sớm gồm:
- Chậm lớn, suy dinh dưỡng: thường xuyên nôn trớ khiến cơ thể trẻ mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa khiến cơ thể không hấp thu dưỡng chất, giảm cảm giác ngon miệng.
- Khó thở, hen suyễn: đường hô hấp của trẻ có thể bị ảnh hưởng do dịch vị trào ngược từ dạ dày lên khoang miệng khiến thở khó khăn, khàn tiếng.
- Nguy cơ tử vong: hiện tượng trào ngược nếu xảy ra khi trẻ đang ngủ sẽ rất nguy hiểm, có thể khiến tắc đường thở.
- Viêm tai, viêm xoang, viêm loét niêm mạc thực quản.
Bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em
Tình trạng trào ngược xảy ra thường xuyên nhất ở các trẻ sơ sinh (dưới 1 tuổi). Tuy nhiên với trẻ lớn hơn, cụ thể là 2, 4, 7 tuổi vẫn hoàn toàn xảy ra nhưng với tần suất giảm dần theo năm tháng. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, đặc điểm của hiện tượng trào ngược ở trẻ em là không giống nhau nên cha mẹ cần lưu tâm để có cách xử lý phù hợp.
Đặc điểm trào ngược dạ dày ở trẻ em dưới 2 tuổi
Ở một số trẻ 2 tuổi vẫn còn gặp phải tình trạng trào ngược khá nhiều do hệ tiêu hóa và cơ vòng thực quản vẫn chưa hoàn thiện. Trẻ vẫn có thể bị nôn trớ khi vừa ăn các thức ăn dạng lỏng, đặc biệt là sữa, tuy nhiên không còn diễn ra quá thường xuyên.
Hầu hết các bé 2 tuổi vẫn không bị sút cân và ăn uống bình thường. Khi trẻ được 3-4 tuổi, chứng trào ngược gần như biến mất hoàn toàn. Trường hợp nếu cha mẹ không nắm được nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời, trẻ có thể sẽ bị sụt cân, thở khò khè và ho, sốt.
Trào ngược dạ dày ở trẻ em từ 2 – 4 tuổi
Đa số trẻ em sẽ không còn mắc chứng trào ngược sinh lý khi lên 4 tuổi, do đó nếu ở độ tuổi này trẻ vẫn bị, cha mẹ cần phải nghĩ ngay đến nguyên nhân là do bệnh lý ở dạ dày và thực quản. Biểu hiện bệnh trào ngược thực quản ở trẻ em 4 tuổi thường là nôn trớ hay ho nhiều sau khi ăn, triệu chứng về bệnh đường hô hấp, biếng ăn, quấy khóc,…
Khi này, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và phát hiện sớm nguyên nhân để chữa trị kịp thời. Các phương pháp chẩn đoán hiện nay đang được áp dụng gồm có chụp X-quang hệ tiêu hóa và thực quản, đo PH dạ dày và thực quản.
Đặc điểm trào ngược dạ dày ở trẻ trên 7 tuổi
Đối với trẻ em trên 7 tuổi, do chức năng của hệ tiêu hóa đã ổn định, trẻ đã ăn uống theo chế độ của cả gia đình nên gần như loại trừ được nguyên nhân do sinh lý gây ra tình trạng trào ngược. Chứng trào ngược ở trẻ em trên 7 tuổi thường do các nguyên nhân như thừa cân, béo phì làm tăng áp lực cho bụng, sử dụng một số loại thuốc (như giảm đau, kháng histamin,…) hay hít phải khói thuốc lá.
Trẻ trên 7 tuổi khi mắc chứng trào ngược sẽ có các biểu hiện như nôn, buồn nôn, hơi thở có mùi hôi, nuốt khó, đau phần trên ổ bụng, đau ngực, đường hô hấp có vấn đề, mòn răng… Trẻ trên 12 tuổi còn có thể gặp phải triệu chứng ợ nóng.
Xem thêm:Trào ngược dạ dày kiêng ăn gì và nên kiêng gì tốt và đảm bảo nhất?
Trẻ mắc trào ngược thực quản nếu không được điều trị kịp thời, về lâu dài sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như viêm thực quản, hẹp thực quản, viêm loét niêm mạc thực quản, các vấn đề về đường hô hấp như tắc nghẽn ngực, tăng dịch phổi, hen suyễn, viêm thanh quản, nhiễm trùng một hoặc hai bên phổi, ho kéo dài, mất giọng,…
Để xử lý bệnh kịp thời, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ nếu thấy trẻ nôn nhiều và thường xuyên, chất lỏng khi nôn có màu vàng, xanh, có cặn hoặc lẫn máu. Ngay cả khi thấy trẻ đau khi cố nuốt thức ăn hay cân nặng bị giảm, phụ huynh cũng nhanh chóng đưa trẻ đi khám.
Cách xủ lý trào ngược dạ dày ở trẻ em sơ sinh
Mỗi độ tuổi, nguyên nhân của chứng trào ngược ở trẻ một khác nhau, do đó cách xử trí cũng không hề giống nhau. Cha mẹ có thể tham khảo cách xử lý cơ bản dưới đây:
Cách xử lý với trẻ sơ sinh
- Bế hay đặt trẻ đúng tư thế khi bú sữa. Nếu bú sữa mẹ nên để đầu bé cao hơn bụng, nếu bú bình nên chọn loại núm có tia sữa phù hợp;
- Không cho trẻ nằm ngay sau khi ăn no;
- Không rung lắc mạnh sau khi ăn hay lúc chơi đùa;
- Cho trẻ ngủ ở tư thế nghiêng, tránh ngủ ở tư thế nằm ngửa;
- Không cho trẻ ăn ngay sau khi trớ;
- Cho trẻ bú/ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với lượng vừa đủ.
Xử lý trào ngược dạ dày với trẻ dưới 4 tuổi
Khi đã có chẩn đoán về tình trạng bệnh trào ngược ở trẻ 4 tuổi, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể các cách xử lý được áp dụng hiện nay là điều trị nội khoa bằng thuốc trung hòa acid, ngoại khoa bằng thủ thuật Nissen siết chặt cơ vòng thực quản hay nhẹ hơn là điều trị tại nhà theo hướng dẫn.
Xử lý trào ngược dạ dày với bé trên 7 tuổi
Để cải thiện và điều trị trào ngược ở trẻ trên 7 tuổi, cha mẹ nên hỗ trợ trẻ bằng các biện pháp sau:
- Không nên ăn quá no hay ăn các loại có nhiều dầu mỡ, đồ cay;
- Giảm cân nếu trẻ đang bị thừa cân, béo phì;
- Ăn trước khi đi ngủ từ 3-4 giờ;
- Chia thành nhiều bữa ăn trong một ngày;
- Mặc đồ rộng rãi phần bụng để giảm áp lực lên dạ dày;
- Gối đầu cao từ 10-15cm tùy theo độ tuổi của trẻ;
- Can thiệp phẫu thuật hoặc dùng thuốc nếu trẻ bị trào ngược do bệnh lý.
Bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em và trẻ sơ sinh thường sẽ không có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên nếu để tình trạng diễn ra kéo dài hay không nắm bắt được nguyên nhân chính khiến trẻ mắc phải sẽ có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên và có biện pháp xử lý sớm.